Vạn An Thạnh là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người dân đảo Phú Quý. Là bảo tàng văn hóa biển đã tồn tại hơn 200 năm
Vị trí Vạn An Thạnh
Vạn An Thạnh nằm cạnh một bãi cát trắng mịn thuộc làng Triều Dương, Xã Tam Thanh, Huyện đảo Phú Quý. Cách trung tâm Phú Quý 2.5km về hướng Đông Nam, vào năm 1996 thì Vạn An Thạnh đã được xếp hạng vào danh sách Di Tích Lịch Sử – Văn Hóa cấp quốc gia do nhà nước ban hành.
Lịch sử hình thành
Được kiến lập từ năm 1781 đến nay đã hơn 200 năm tuổi là nơi thờ thần Nam Hải cùng nhiều chư vị Tiền Hiền đã có công gây dựng và kiến tạo vùng đất nơi đây. Tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân nơi đây.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Vạn An Thạnh vẫn đứng sừng sững, trước biển trời mênh mông thể hiện được tinh thần đoàn kết của người dân Phú Quý vô cùng mạnh mẽ. Vạn An Thạnh là một trong những minh chứng sống cho nét truyền thống văn hóa lịch sử tại nơi đây.
Thiết kế
Bên trong Vạn được thiết kế với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, đầy uy nghi gồm chính điện, võ ca và tiền hiền được thiết kế và bố trí theo hình chữ Tam. Ngoài ra, trong khuôn viên Vạn có rất nhiều bộ phận phụ theo lối kiến trúc cổ đại để mọi người tham quan và trải nghiệm.
Các hạng mục trong Vạn thể hiện được những nét nghệ thuật độc đáo, mang đậm chất văn hóa biển. Những hình đắp nổi: long phượng, cá mực, hoa lá…; cùng hệ thống hoành phi, liễn đối đã phản ánh sự quy tụ những bàn tay, khối óc tài hoa của cộng đồng cư dân trên đảo trong suốt hàng trăm năm qua.
Hiện nay Vạn lưu giữ gần 100 bộ hài cốt (gồm cá voi, rùa da), bà con ngư dân coi đó là hài cốt của ông bà nên tôn thờ với những nghi thức kính cẩn. Với gần 100 bộ hài cốt cá ông, rùa biển đủ niên đại, kích cỡ, Vạn An Thạnh là nơi có một bộ sưu tập phong phú về cá ông rất có giá trị trong việc nghiên cứu sinh vật biển đối với các nhà hải dương học.
Lễ hội
Tại Vạn An Thạnh thường xuyên diễn ra các lễ hội như:
Lễ hội tế xuân: Kéo dài từ mùng 10 đến 20/1 âm lịch, đây cũng là dịp Cầu Ngư đầu năm của Vạn. Đây là lễ tế Thần đầu năm để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng thắng lợi. Lễ hội tế xuân của Vạn An Thạnh, ngoài việc tế Thần đầu năm còn gắn liền với mục đích cầu ngư.
Ngoài những nghi thức hành lễ theo tập tục cổ truyền (vật dâng tế Thần Nam Hải, nhang đèn, chuông trống, văn tế Thần và Tiền hiền, Hậu hiền) là những sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí thu hút đông đảo bà con ngư dân xứ đảo. Đây cũng là dịp để hướng mọi người quay về cội nguồn, tổ tiên và truyền thống lâu đời của dân tộc.
Trong lễ hội tế xuân và tế thu của Vạn An Thạnh, có các loại hình văn hóa dân gian như dân ca nghi lễ, hát chèo bả trạo… là những làn điệu cổ truyền rất độc đáo của ngư dân Phú Quý. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống đó không thể thiếu trong ngày hội văn hóa của toàn dân.
Lễ giỗ vị cố: Tiến hành vào ngày 15/10 âm lịch, đây cũng là dịp Tế Thu của Vạn.
Ngoài những nghi thức hành lễ long trọng như lễ tế xuân, còn có thêm nghi thức rước ông Sanh từ biển khơi. Ngư dân tổ chức ghe thuyền, cờ trống ra khơi nghinh đón những vị thần sống về vạn chứng kiến ngày tế lễ. Những bài văn tế Thần, Tiền hiền và Hậu hiền được đọc long trọng trong buổi lễ. Hiện nay Vạn An Thạnh còn lưu giữ bài văn tế dày 124 trang viết bằng chữ Hán cổ được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Đây là dịp để mọi người ôn lại truyền thống khai phá xây dựng đảo, tăng cường tình đoàn kết, mối tương thân tương ái giữa các ngư dân, củng cố và tăng cường sức mạnh trong sự nghiệp lao động và xây dựng đảo Phú Quý ngày càng sung túc hơn
Phanthietgo tổng hợp